Chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành - Sáng kiến từ Thủy điện Quảng Trị
Năm 2025, Công ty Thủy điện Quảng Trị (TĐQT) tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong lộ trình chuyển đổi số của EVNGENCO2 với sáng kiến ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn lưới điện - công trình hồ chứa. Sáng kiến này đã được EVNGENCO2 công nhận là sáng kiến trong năm 2024, mang lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn vận hành và quản lý.
Số hóa dữ liệu không gian - từ bản đồ kỹ thuật đến quản lý vận hành thực địa
Công ty TĐQT quản lý hai công trình lớn là Công trình Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị và Công trình hồ chứa Pà Rông. Các hạng mục công trình rải rác trên diện tích rộng 1.253.562 m2, vị trí địa lý miền núi hiểm trở, nhiều khu vực quản lý nằm trong rừng tái sinh, việc sử dụng bản đồ giấy truyền thống để quản lý hệ thống mốc giới, bảo vệ hành lang hồ chứa gây nhiều khó khăn. Các nhân viên phải tìm kiếm thủ công, dịch vụ này yêu cầu số lượng lớn nhân lực, tăng chi phí và thời gian.
Nhằm khắc phục nhược điểm trên, Công ty Thủy điện Quảng Trị đã triển khai hệ thống quản lý số hóa, kết hợp các phần mềm Mapinr, Google Earth, Map Plus, Hhmap, Super GeoGPS và thiết bị GPS, RTK để hỗ trợ quản lý, tìm kiếm nhanh chóng.
Toàn bộ dữ liệu về cột đường dây, mốc giải phóng mặt bằng (GPMB), mốc hành lang an toàn hồ chứa… được chuyển đổi số hóa theo hệ tọa độ VN2000. Dữ liệu gốc từ các phần mềm kỹ thuật chuyên dụng như AutoCAD, MicroStation V7/V8 được chuyển sang định dạng KML/KMZ để tích hợp trực tiếp lên Google Earth và Google Maps.
Việc hiển thị trực quan này giúp các cán bộ kỹ thuật theo dõi dễ dàng vị trí các hạng mục công trình, đặc biệt là các điểm xung yếu trong mùa mưa bão hay các thời điểm kiểm tra định kỳ. Dữ liệu không gian được cập nhật đồng bộ và có thể truy cập dễ dàng ngay trên điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android hoặc iOS, đảm bảo bảo mật và tính sẵn sàng cao trong công tác hiện trường.
Ứng dụng Flycam theo tọa độ định sẵn - Kiểm tra định kỳ và khẩn cấp hiệu quả. Sáng kiến còn tích hợp công nghệ bay tự động Flycam ở chế độ waypoint - sử dụng chính tọa độ đã đánh dấu sẵn trên Google Map để thiết lập đường bay an toàn và tối ưu cho thiết bị bay không người lái. Nhờ vậy: Việc kiểm tra định kỳ trở nên tự động hóa, tiết kiệm nhân lực và nâng cao an toàn; Flycam bay theo tuyến định trước giúp tránh mất tín hiệu hoặc lạc hướng, đảm bảo thiết bị vận hành ổn định ngay cả ở những khu vực có địa hình hiểm trở.
Thực hiện chế độ báy của Flycam để kiểm tra thực địa
Trong tình huống thiên tai như mưa bão, dữ liệu hình ảnh thực tế từ Google Earth ở chế độ "xem phố" (Street View) và ảnh từ Flycam giúp công ty nhanh chóng xác định các vị trí có nguy cơ, phục vụ đánh giá hiện trạng và lập phương án xử lý kịp thời.
Không chỉ áp dụng cho công trình đang vận hành, sáng kiến còn mở ra một hướng đi hiệu quả trong việc chuẩn bị đầu tư cho các công trình mới. Việc sử dụng dữ liệu thực địa (tọa độ thực, hình ảnh Google Earth và flycam) giúp đơn vị: Đối chiếu chính xác với quy hoạch được duyệt; lên kế hoạch khảo sát sơ bộ từ xa trước khi triển khai thực địa; tối ưu hóa quy mô đầu tư và kế hoạch thi công.
Việc sử dụng dữ liệu thực địa (tọa độ thực, hình ảnh Google Earth và flycam) giúp đơn vị trực quan được hiện trường.
Hiệu quả và triển vọng nhân rộng: Với phương pháp triển khai đơn giản, dễ sử dụng và chi phí đầu tư hợp lý, sáng kiến không chỉ đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý vận hành mà còn có khả năng nhân rộng tại nhiều đơn vị khác trong Tập đoàn. Đây là một bước tiến cụ thể, thiết thực trong hành trình số hóa ngành điện, góp phần hiện thực hóa mục tiêu EVN số vào năm 2025.
Đỗ Thắng - TĐQT