Thủy điện Quảng Trị: Tiếp tục áp dụng và nâng cao công tác sửa chữa, bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy (RCM - Reliability Centered Maintenance)
Tại Công ty Thủy điện Quảng Trị (TĐQT), việc áp dụng phương pháp Sửa chữa, Bảo dưỡng (SCBD) dựa trên Độ tin cậy RCM là một trong những nhiệm vụ Chuyển đổi số EVNGENCO2 đề ra giai đoạn 2021-2025 đã và đang mang lại những kết quả tích cực bên cạnh số hóa cơ sở dữ liệu hệ thống thiết bị trên phần mềm Quản lý kỹ thuật còn nâng cao độ tin cậy của hệ thống, thiết bị nhằm tăng tính vận hành an toàn, liên tục và tối ưu chi phí cho nhà máy Thủy điện Quảng Trị. Điều này được đánh giá cao và tiếp tục được đẩy mạnh trong các cuộc họp và đào tạo, nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất.
Trước tình hình vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn và thách thức, dự báo trong năm 2024 và thời gian tới, mỗi năm các nhà máy Thủy điện luôn hướng đến chỉ tiêu vận hành bình quân 4.500 - 5.000h/năm. Để đáp ứng yêu cầu này, các nhà máy điện phải đảm bảo độ sẵn sàng, hệ số khả dụng của các tổ máy, không sự cố theo hiệu suất và công suất thiết kế.
Sơ đồ kết quả phân tích RCM các hệ thống Tổ máy Nhà máy TĐQT trên phần mềm PMIS
Từ năm 2021, Công ty TĐQT đã triển khai áp dụng triệt để phương pháp SCBD theo RCM cho các tổ máy H1, H2, Trạm 110kV và sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị Cơ - Điện Đập tràn theo RCM trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giá RCM và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo Quy định công tác Quản lý kỹ thuật trong EVN. Điều này đã mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác SCBD hàng năm của Công ty như: Xây dựng phương án kỹ thuật mang tính khoa học hơn, chính xác hơn, chi tiết tới từng thiết bị của từng hệ thống, không bỏ sót thiết bị từ đó công tác lập tiên lượng dự toán SCL được thực hiện dễ dàng và thuận lợi hơn; công tác thực hiện SCBD trực tiếp của công nhân sửa chữa sau khi tháo máy cũng thường diễn ra với thời gian ngắn hơn so với kế hoạch.
RCM là một quá trình liên tục và tuần hoàn lập lại, được cải tiến và hoàn thiện liên tục nên sau mỗi chu kỳ phân tích đánh giá RCM sẽ cho kết quả là các khuyến cáo cải tiến nâng cấp và hoàn thiện lịch SCBD dựa trên các đánh giá kinh tế - kỹ thuật phù hợp với bối cảnh vận hành hiện tại.
Phương pháp SCBD theo RCM ưu thế hơn phương pháp truyền thống bởi giải quyết được việc xác định chính xác số lượng lớn thiết bị cần kiểm tra hoặc bảo trì trong cùng thời gian; đồng thời tiết kiệm được nguồn lực, ngân sách, nhân lực và giới hạn trong việc gián đoạn cung cấp điện. Do đó, áp dụng phương pháp RCM sẽ giúp đạt được hiệu suất tốt nhất với chi phí thấp nhất, kéo dài tuổi thọ của thiết bị và giảm thời gian ngừng cung cấp điện đến mức thấp nhất.
Tổ nhân sự RCM Công ty TĐQT họp đánh giá công tác RCM thời gia qua và triển khai những bước tiếp theo để nâng cao hiệu quả của công tác SCBD theo RCM.
Để tiếp tục áp dụng và nâng cao công tác SCBD theo RCM, từ ngày 09-23/01/2024 Công ty cử 02 cán bộ là Quản đốc Phân xưởng vận hành và Chuyên viên Phòng Kỹ thuật - An toàn tham gia khóa đào tạo Điều phối viên RCM nội bộ Nhà máy Thủy điện do Tổng công ty Phát điện 2 tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, khóa học do tổ chức Aladon của Mỹ đào tạo và cấp “Chứng chỉ Điều phối viên RCM2”. Sau đào tạo lãnh đạo Công ty yêu cầu Tổ nhân sự RCM Công ty tổ chức họp rà soát, đánh giá lại quá trình xây dựng, triển khai trong thời gian qua và tiếp tục nâng cao việc áp dụng phương pháp SCBD theo RCM.
CBCNV tham gia khóa đào tạo Điều phối viên nội bộ về RCM cho các Nhà máy Thủy điện thuộc Tổng công ty Phát điện 2 tổ chức năm 2024. (ảnh: Trí Thức)
Hiện nay, Công ty TĐQT đã và đang tiếp tục triển khai, thường xuyên cập nhật, nâng cao chất lượng, hiệu quả áp dụng RCM tại đơn vị, như: Tăng cường áp dụng bảo dưỡng theo tình trạng (CBM) trong RCM, cụ thể: khai thác dữ liệu từ các hệ thống giám sát trực tuyến được trang bị (hệ thống giám sát online máy biến áp, hệ thống giám sát PD online máy phát...) để phân tích, chẩn đoán tình trạng thiết bị, xác định chu kỳ P-F của thiết bị, để có hành động sửa chữa phù hợp; trên cơ sở các kiến thức cập nhật từ khóa đào tạo, bộ phận thực hiện RCM Công ty tăng cường áp dụng các công thức tính FFI – Finding failure Interval, tính toán chính xác tần suất tìm lỗi khi áp dụng hành động bảo trì là “Tìm lỗi” đối với các hư hỏng tiềm ẩn, giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng áp dụng.
Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục nghiên cứu mở rộng, áp dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất bằng các phương pháp chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động và tối ưu chi phí tại đơn vị. Đặc biệt, RCM cũng góp phần nâng cao động lực của từng cá nhân, hiệu quả hoạt động nhóm. Phương pháp này cũng giúp Lãnh đạo đơn vị có sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn các yêu cầu nguồn lực, đảm bảo tổ máy phát điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy, đạt hiệu suất cao. Những lợi ích và kết quả tích cực mang lại từ RCM góp phần thúc đẩy mạnh hơn, toàn diện hơn công tác chuyển đổi số của Công ty để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao.
Hồng Hải, Lê Phương - TĐQT.