Những bước đầu trong công tác chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện Quảng Trị
Thực hiện chủ đề năm 2021 “Chuyển đổi số” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và những mục tiêu chuyển đổi số (CĐS) của Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2), Công ty Thủy điện Quảng Trị (QTHPC) quyết tâm thực hiện trong giai đoạn đến năm 2022 cơ bản hoàn thành CĐS trên mọi lĩnh vực.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà công nghệ làm nền tảng cho sự phát triển và có tính quyết định khả năng cạnh tranh trong kinh doanh của các Doanh nghiệp. QTHPC nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất KD của Nghành điện nói chung và của Công ty nói riêng, tuy nhiên đây không thể là công việc một sớm một chiều mà là cả một hành trình mà đích đến nó không thể định lượng được như một phép tính có kết quả ngay, câu hỏi “ Tại sao?” và “ Phải làm như thế nào để chuyển đổi số?” đó là hai câu hỏi mà Ban lãnh đạo Công ty Thủy điện Quảng Trị phải đặt ra và thực hiện để hoàn thành mục tiêu mà EVN, EVNGENCO2 đề ra.
Tại sao phải chuyển đổi số? (Nguồn ảnh: internet)
Để bắt đầu trả lời được các câu hỏi trên thì phải hiểu được định nghĩa “Chuyển đổi số là gì?” Tại sổ tay chuyển đổi số EVN định nghĩa: “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của mỗi cá nhân, tổ chức về cách làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số dựa trên các công nghệ mang tính đột phá của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như Trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Dữ liệu lớn, Internet vạn vật…”.[1]
“ Chuyển đổi số trong EVN là quá trình chuyển đổi các hoạt động quản lý thủ công bằng sổ sách, giấy tờ sẽ chuyển sang quản lý bằng hình thức điện tử; Các hoạt động chưa tự động được chuyển thành tự động; Áp dụng các công nghệ mới thay thế cho các công nghệ lạc hậu, tận dụng sức mạnh công nghệ số, dữ liệu gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động trong Tập đoàn”.[1]
Vậy Chuyển đổi số là quá trình ứng dụng Công nghệ thông tin dựa trên các thành tựu lớn của CMCN4.0 mang lại để Công ty có thể ứng dụng vào thực hiện số hóa dữ liệu, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao tính tự động hóa, phối hợp công việc…để mang lại hiệu quả như:
Tạo chuỗi liên thông trong công việc
Khi Công ty chưa CĐS mỗi phòng và bộ phận sử dụng một phần mềm riêng lẻ ví dụ như Phòng KTAT dùng phần mềm PMIS, phòng TCKT, KHVT phần mềm ERP…nên sự kết nối thông tin, dữ liệu và giao tiếp của các phòng ban chưa có linh hoạt mà rất thủ công nên quy trình mất thời gian, rườm rà. Khi áp dụng CNTT vào để tối ưu hóa quy trình sẽ tạo ra sự liên kết chặt chẽ, nó mang tính nhịp nhàng hơn.
Tăng cường minh bạch, hiệu quả và sáng tạo trong hệ thống quản trị.
Thay vì ngồi chờ nhân sự gửi báo cáo qua đường email hoặc báo cáo bản cứng như báo cáo tài chính, báo cáo sản xuất kinh doanh,…thì thông qua một phần mềm dashboard, khối lượng công việc thì lãnh đạo có thể xem bất cứ lúc nào để nắm và đưa ra quyết định chỉ đạo kịp thời nhất.
Nâng cao năng lực và năng suất của cán bộ công nhân viên.
Khi đã áp dụng công nghệ phần mềm ví dụ như công nghệ Robotics Process Automation (RPA), sẽ giúp nhân viên giảm làm việc những công việc mang tính lặp đi lặp lại mất thời gian, dành thời gian đó làm việc khác khó khăn, quan trọng đồng thời có thể nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
Công ty nhìn thấy xu hướng phát triển số là yêu cầu khách quan, đồng thời hiểu rõ những lợi ích CĐS mang lại trong quá trình hoạt động sản xuất của Công ty. Từ đó, Công ty xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của theo từng nhiệm vụ của mỗi lĩnh vực.
Mục tiêu chuyển đổi số của Công ty hoàn thiện cơ bản một số lĩnh vực quan trọng như đề án CĐS của EVN ban hành, bao gồm: Sản xuất, đầu tư xây dựng, Quản trị và Tài chính Kế toán. Ngày 01/3/2021 Công ty Thủy điện Quảng Trị ban hành kế hoạch xây dựng chủ đề năm “Chuyển đổi số” của năm 2021 tập trung vào số hóa tài liệu quản lý kỹ thuật của nhà máy để tạo tiền đề cơ sở cho áp dụng các công nghệ như AI, và Bigdata. Bên cạnh đó Công ty thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ CĐS tại văn bản 901/EVNGENCO 2- KTSX ngày 26/3/2021 của Tổng công ty Phát điện 2.
Công ty mời Công ty trí tuệ nhân tạo FPT Quy Nhơn về để giới thiệu công nghệ AI
Tại đề án chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhấn mạnh bước đầu phải tập trung chuyển đổi nhận thức, đào tạo nâng cao kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển Doanh nghiệp số cho cán bộ, công nhân viên và người lao động trong toàn Tập đoàn. Vì vậy, Công ty đã cử các lãnh đạo chủ chốt tham gia các khóa học chuyển đổi số do Tập đoàn triển khai; toàn bộ CBCNV được phổ biến Sổ tay công tác CĐS, tham gia tìm hiểu các khóa học CĐS trên phần mềm elearning do Tập đoàn tổ chức,… CĐS là một lĩnh vực mới, chưa có tính chất định hình thực tế, vì vậy Lãnh đạo và CBCNV Công ty Thủy điện Quảng Trị không ngừng tìm hiểu và nghiên cứu, tích cực tham gia các hội thảo giới thiệu công nghệ mà EVNGENCO2 tổ chức như Công nghệ BIM, Công nghệ BI, Công nghệ điện toán đám mây của Microsoft, và ứng dụng hợp nhất báo cáo tài chính…nhằm nâng cao nhận thức của CBCNV trong Công ty.
Để thực hiện được CĐS cần phải có hoạch định, định hướng kế hoạch, tầm nhìn rõ ràng. Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số và ứng dụng thành quả CMCN 4.0 vào hoạt động SXKD của Công ty đứng đầu là Giám đốc để đưa ra các chiến lược, mục tiêu cụ thể thực hiện, đồng thời thành lập các tổ công tác giúp việc nhằm thực hiện các công việc hoàn thành tốt nhất đạt hiệu quả cao nhất.
Kể từ khi triển khai thực hiện nhiệm vụ CĐS, Công ty đã đạt một số kết quả nhất định như: cơ sở dữ liệu số hóa thiết bị trên phần mềm PMIS tính đến ngày 20/10/2021 cơ bản số hóa được gần 50% thiết bị, phấn đấu cuối năm 2021 100% thiết bị được số hóa. Áp dụng CNTT vào việc sửa chữa bảo dưỡng theo RCM đã hoàn thành đúng tiến độ, thực hiện áp dụng RCM cho các hạng mục Sửa chữa lớn năm 2022 của Công ty đã hoàn thành và được EVNGENCO2 quyết định phê duyệt.
Nhóm công tác triển khai nhập dữ liệu RCM lên PMIS
Một số lĩnh vực khác như Quản trị nội bộ cơ bản đáp ứng đúng tiến độ. Công ty đang thực hiện xây dựng các lưu đồ quy trình nội bộ tạo tiền đề cho xây dựng phần mềm số hóa quy trình nghiệp vụ vào năm 2022-2023 của Công ty.
Thời gian tiếp theo Công ty tiếp tục bám sát các mục tiêu nhiệm vụ được giao và chỉ đạo của EVNGENCO2 để từng bước triển khai chuyển đổi số trong các lĩnh vực, trước mắt là triển khai thành công hệ thống Digital - Office tại Công ty, hoàn thiện chương trình quản lý Kỹ thuật tại nhà máy. Với những kết quả đạt được ban đầu và đặc biệt là toàn bộ CBCNV Công ty thủy điện Quảng Trị đã nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm đồng lòng thực hiện nhiệm vụ, điều chắc chắn Công ty Thủy điện Quảng Trị sẽ đạt mục tiêu trong công tác chuyển đổi số đã đề ra, đáp ứng được nhiệm vụ SXKD trong thời đại công nghiệp 4.0.
Lê Phước Trang Sinh