EVNGENCO 2: Hiệu quả từ việc ứng dụng KHCN trong sản xuất, kinh doanh
Từ
việc số hóa các dữ liệu văn bản đi/đến, dữ liệu quản lý nguồn nhân lực, kĩ
thuật, xây dựng,… đến sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc dự báo sản lượng nước
về hồ thủy điện, Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2) đã và đang ứng dụng hiệu
quả những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất,
kinh doanh.
Từ số hóa thông tin, dữ liệu…
Tại EVNGENCO 2, hiện công nghệ thông tin đã được ứng
dụng vào mọi hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất,… từ cấp tổng công ty đến
các đơn vị trực thuộc. Các phần mềm dùng chung của EVN như Phần mềm quản lý
nguồn lực doanh nghiệp (ERP); Quản lý kỹ thuật (PMIS); quản lý đầu tư xây dựng
(IMIS)…, đã được triển khai hiệu quả. Mọi thông tin, dữ liệu đều được số hóa,
tập trung và được sắp xếp một cách khoa học, giúp cho việc tìm kiếm, truy xuất
giữ liệu một cách dễ dàng; đồng thời, góp phần giảm thiểu rất lớn các thủ
tục giấy tờ, qua đó, nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí.
Việc báo cáo thông số vận hành các
nhà máy điện trực thuộc EVNGENCO 2 hiện đã được triển khai trên phần mềm PMIS
Ông Phạm Văn Hoàn - Phó Ban Kỹ thuật Sản xuất EVNGENCO
2 chia sẻ, việc ứng dụng các phần mềm đã giảm thiểu được khối lượng công việc
rất lớn người lao động cũng như các cấp lãnh đạo. Điển hình, trước đây, các
thông số về vận hành, công suất, sản lượng… các nhà máy được từng đơn vị gửi
qua mail cho chuyên viên Ban chuyên môn của Tổng công ty.
Sau đó, chuyên viên phải tổng hợp để báo cáo lãnh đạo
Tổng công ty. Từ khi ứng dụng phần mềm PMIS, lãnh đạo Tổng công ty, các ban
chuyên môn có thể xem tất cả các thông số của các đơn vị trực tiếp trên PMIS.
Hệ thống cũng tự động tổng hợp các thông số theo yêu cầu. Qua đó, giảm thiểu
các khâu trung gian, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí và nâng cao
chất lượng công tác quản lý kĩ thuật.
Hay với phần mềm IMIS, trước đây, mọi hồ sơ dữ liệu
liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng được các đơn vị lưu trữ độc lập và phân
tán. Việc tìm kiếm, tra cứu thông tin lâu, mất nhiều thời gian, việc kiểm soát
khó khăn…. Còn hiện nay, các hồ sơ, dữ liệu đều được đưa lên IMIS, giúp việc
truy xuất được hanh chóng, hiệu quả, giúp lãnh đạo Tổng công ty quản lý
chi tiết các dự án một cách thuận lợi, dễ dàng. Công tác tìm kiếm, truy xuất
báo cáo được nhanh chóng, chuẩn xác và có thể trực quan (hình ảnh,
video) mọi nơi, mọi lúc.
… đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Cũng theo ông Phạm Văn Hoàn, một trong những điểm sáng
trong công tác ứng dụng khoa học công nghệ của EVNGENCO 2, đó là triển khai
hiệu quả Đề tài Ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và xây dựng phầm mềm
dự báo lưu lượng nước về hồ thủy điện. Hiện nay, công nghệ này đang được ứng
dụng tại Nhà máy Thủy điện Thác Mơ.
Kỹ sư vận hành tại Nhà máy
Nhiệt điện Ô Môn kiểm tra thông số vận hành các thiết bị
Để thực hiện Đề tài, EVNGENCO 2 đã phối hợp với nhóm
chuyên gia của Đài khí tượng thủy văn Bình Phước điều tra, thu thập, xây dựng
bản đồ số hóa lưu vực và các thành phần lưu vực hồ Thác Mơ; xây dựng mô hình dự
báo dòng chảy thực hành dự báo ngắn hạn và dài hạn; phân tích thiết kế và
xây dựng các khối chức năng của hệ thống phần mềm dự báo lũ và điều tiết lũ.
Được triển khai từ tháng 5/2018, hiện nay, Tổng công
ty đã hoàn thành tất cả các chức năng của phần mềm và ứng dụng thêm các công
cụ, thuật toán trí tuệ nhân tạo để cập nhật lượng nước về hồ.
Ông Phạm Văn Hoàn cho hay, triển khai hiệu quả công
nghệ này đã giúp EVNGENCO 2 dự báo tốt lưu lượng nước về hồ thủy điện Thác Mơ.
Qua đó, giúp cho công tác điều tiết hồ chứa và chào giá trên thị trường điện
hợp lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc dự báo tốt lưu
lượng nước về hồ cũng góp phần nâng cao công tác quản lý, vận hành hồ chứa, vừa
không để lãng phí nguồn tài nguyên nước vừa đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt
là trong mùa lũ.
Sau khi triển khai hiệu quả tại Nhà máy Thủy điện Thác
Mơ, từ 2020-2023, EVNGENCO 2 sẽ tiếp tục nhân rộng công nghệ này tại các nhà
máy thủy điện thuộc Tổng công ty.
Hiện nay, EVNGENCO 2 cũng đang tiếp tục nghiên
cứu, triển khai các Đề tài nhằm ứng dụng hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng
công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh như: Nghiên cứu, phát
triển hệ thống giám sát lò hơi để hỗ trợ quyết định phương án vận hành và bảo
dưỡng tối ưu; Điều khiển Nhà máy điện thông minh, trung tâm quản lý vận hành
tập trug (Smart OCC)…